Cuộc thi vinh dự được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Campuchia tham gia với vai trò Ban giám khảo cùng với các CEO, nhà sáng lập StartUp hàng đầu thế giới như ông Michael McCarthy - giảng viên của trường Harvard Extension, ông Gene Soo - đồng sáng lập StartupsHK, Shark Nguyễn Mạnh Dũng- Giám đốc Điều hành quỹ Cyber Agent tại Việt Nam và Thái Lan…             

Vòng chung kết là cuộc tranh tài của 10 đội xuất sắc nhất, được lựa chọn từ hơn 200 bài dự thi của các startup đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt, 3 độichiến thắngsẽ được Viettel tài trợ 100% chi phí sang Mỹ tham gia vòng chung kết VietChallenge - cuộc thi Startup cho người Việt toàn cầu tại Mỹ với giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Việt Nam là quốc gia có nhiều sản phẩm được lựa chọn nhất với 5 dự án trong các lĩnh vực: Viễn thông, Giáo dục, IoT, và Thương mại điện tử (gồm Graam, VVN, Appa, Vuihoc, MultiGlass). Các sản phẩm còn lại của các đội đến từ nhiều quốc gia khác: Agrobot, TiMobile, Ipfication, Innova Solutions và LaundryKH.

Phần trình bày của đội Agrobot (Tanzania) với giải pháp Công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo để cung cấp thông tin cho người nông dân ở Tanzania. Ảnh: PV

Sau 4 giờ làm việc căng thẳng, ban giám khảo cuộc thi đã lựa chọn ra được 3 đội có sản phẩm xuất sắc nhất để trao giải, cụ thể đội VVN (Việt Nam) - Cung cấp các giải pháp Trí tuệ nhân tạo tùy chỉnh để cho phép các quy trình kinh doanh tự động, đưa khách hàng lên hàng đầu trong cuộc cạnh tranh bằng cách cắt giảm chi phí và cải thiện trải nghiệm của khách hàng đạt giải Nhất; TiMobile (Indonesia) với Giải pháp tự động thay thế nhạc chuông của người nhận bằng một video cụ thể do người gọi đặt đoạt giải Nhì và đội Graam (Việt Nam) – cung cấp cho doanh nghiệp một giải pháp trung tâm liên lạc dựa trên đám mây bao gồm pin mà không phải trả chi phí trả trước đoạt giải Ba.

Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Viettel Telecom- Trưởng ban Tổ chức cuộc thi trao giải thưởng cho đội đoạt giải Nhất VVN (Việt Nam). Ảnh: PV

Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt trị giá 170 triệu đồng, 3 đội thắng cuộc này sẽ được Viettel tài trợ 100% chi phí sang Mỹ tham gia vòng chung kết VietChallenge - cuộc thi Startup cho người Việt toàn cầu tại Mỹ với giải thưởng lên tới hơn 1 tỷ đồng. 

Ông Phùng Văn Cường, Tổng Giám đốc Metfone trao giải thưởng cho đội đoạt giải Nhì TiMobile (Indonesia). Ảnh: PV

Trong quá trình tham gia chung kết tại Campuchia và Mỹ, các đội thi cũng nhận được chương trình cố vấn 1-1 từ các các CEO, nhà sáng lập StartUp hàng đầu thế giới giáo sư tại các trường Havard, MIT, ĐH Boston; các chuyên gia đầu ngành tại thung lũng Silicon; tham gia tuần tập huấn kỹ năng thuyết trình; thăm quan hệ sinh thái khởi nghiệp Boston; Tiếp cận và làm việc với các nhà đầu tư uy tín tại Mỹ để kêu gọi đầu tư…

Bà Nguyễn Hà Thành, Trưởng ban Truyền thông Tập đoàn Công nghiệp- Viễn thông Quân đội Viettel trao giải Ba cho đội Graam (Việt Nam). Ảnh: PV

Được biết, bên cạnh lựa chọn 10 đội tham dự vòng chung kết tại Campuchia, hiện Viettel đã tiến hành đàm phán để ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với hơn 20 sản phẩm, ý tưởng tiềm năng tham gia cuộc thi, với những lợi ích độc quyền chia sẻ doanh thu lên từ 45 - 75% ngay trong năm nay khi đưa vào hệ thống kinh doanh tại Việt Nam và 10 quốc gia mà tập đoàn đang đầu tư, kinh doanh.

Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), cho thấy, trong năm 2018 các công ty khởi nghiệp của Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ từ các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước (gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016). Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam trong những năm qua đã được các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao. Số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh (400 doanh nghiệp khởi nghiệp năm 2012, đến 2017-2018 con số này tăng lên là 3.000).

Tuy nhiên theo một thống kê khác, có tới 80% StartUp Việt Nam thất bại ngay trong năm đầu tiên và con số đó lên tới 92% trong 3 năm tiếp theo, cho dù các ý tưởng startup có hay đến thế nào. Các chuyên gia StartUp cũng đã chỉ ra, thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm thực tế là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. 

Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel, Trưởng ban Tổ chức phát biểu tại Vòng chung kết cuộc thi Viettel Advanced Solution Track 2019. Ảnh: PV

Ông Cao Anh Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel (Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội), Trưởng ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ, là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Viễn thông tại Việt Nam hiện nay, nhưng khi mới khởi nghiệp Viettel cũng gặp vô vàn khó khăn và thách thức như các StartUp non trẻ khác. Thấu hiểu điều đó, khi đã thành công với tầm vóc và những thế mạnh vượt trội cùng uy tín trên thị trường quốc tế, Viettel mong muốn cùng chung nhịp và hỗ trợ các StartUp trong nước phát triển và hiện thực hóa ước mơ vươn ra toàn cầu. “Viettel Advanced Solution Track 2019 chính là hành động thực tế của Viettel nhằm tạo ra một sân chơi công bằng cho các StartUp trong nước và quốc tế đồng thời thể hiện cam kết luôn đồng hành, đầu tư và tạo cơ hội phát triển cho cộng đồng khởi nghiệp”, ông Cao Anh Sơn nhấn mạnh.

VVN (Việt Nam)- Giải Nhất

VVN AI là công ty công nghệ chuyên sâu về các thuật toán có tính sáng tạo cao kết hợp với công nghệ AI Deep learning và Machine learning để các bài toán khó về xử lý hình ảnh như nhận dạng mặt người, xử lý ảnh trong video, nhận dạng và xử lý các file ảnh cho các loại giấy tờ.

Nhận thấy vai trò quan trọng của xử lý ảnh trong đời sống, VVN đã nghiên cứu và sáng tạo chuyên sâu 10 năm các thuật toán cho lĩnh vực xử lý ảnh, kết hợp với công nghệ AI Deep learning, machine learning, và đã xây dựng được core AI chuyên về xử lý ảnh, đây chính là sự khác biệt của VVN. Dựa trên điểm mạnh này, VVN có thể giải quyết các bài toán về xử lý ảnh rất nhanh và có độ chính xác cao.

 

Anh Trần An Đức – Co-founder của VVN AI chia sẻ: “VVN rất mong muốn qua cuộc thi này, sản phẩm của VVN AI được các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp biết tới VVN nhiều hơn, bởi VVN luôn có một khát khao được giải quyết các bài toán của Viettel, các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như bài toán của quốc gia như số hóa dữ liệu dân cư, dữ liệu ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, hải quan, smartcity, smarthome... , để góp phần xây dựng Việt Nam văn minh hơn, phát triển hơn đồng thời hiện thực hóa mục tiêu nằm trong top 4 về chuyển đổi số trong khu vực ASEAN trước 2025.”

Timobile (Indonesia)- Giải Nhì

Mvicall là một giải pháp mới được phát triển bởi TIMOBILE trong việc thực hiện các cuộc gọi điện thoại di động. Tính năng chính của Mvicall là tự động thay thế nhạc chuông của người nhận bằng một video cụ thể do người gọi đặt. Tự động thay thế nhạc chuông người nhận bằng video của người gọi (có thể tự tạo hoặc mua từ thị trường) là các tính năng chính của Mvicall. Mvicall cũng có tính năng “live explore” khám phá trực tiếp trên mạng, giúp mọi người có thể xem các video của người dùng khác tải lên trong “thời gian thực” và có thể nhấn nút “like hoặc báo cáo trực tiếp” bên trong. Ngoài ra, một chức năng khác nữa là cho phép là cho phép người nhận cuộc gọi có thể thay đổi các trạng thái khác nhau cho từng người gọi.

 

Đội ngũ Timobile đến từ Việt Nam, Indonesia và Pháp. Sản phẩm này được phát triển tại Indonesia.

Về VAS Track 2019, anh T. Amershah – founder của Timobile team đánh giá: “Đây là một sáng kiến ​​rất hữu ích và quý giá từ Viettel. Một mặt, cuộc thi cung cấp sự hỗ trợ rất cần thiết cho các startup với những ý tưởng sáng tạo. Mặt khác, các công ty đa quốc gia hàng đầu như Viettel cũng có thể tìm kiếm được nhiều thêm nhiều ý tưởng và cơ hội kinh doanh mới. Chúng tôi rất biết ơn Viettel vì đã tạo ra sân chơi VAS Track 2019 này. Chúng tôi đã sẵn sàng cho Vòng chung kết Vietchallenge 2019 tại Mỹ.”

GRAAM (Việt Nam)- Giải Ba

Trong lĩnh vực viễn thông, Graam- startup 02 năm tuổi, có trụ sở tại Paris, Pháp, là cái tên nổi bật trong số những đội tham gia cuộc thi do Viettel tổ chức năm nay. Nhờ việc kết hợp giữa công nghệ viễn thông và điện toán đám mây, hệ thống dịch vụ Cloud Call Center của Graam có thể cung cấp cho các doanh nghiệp trên phạm vi quốc tế công cụ kết nối hoàn toàn online với khách hàng, cạnh tranh sòng phẳng với các nhà cung cấp danh tiếng khác trên thế giới.

 

Với ưu điểm vượt trội của mình, Graam đã có khoảng 30 khách hàng là những doanh nghiệp từ Pháp, Maroc và Brazil…, xử lý gần 30.000 cuộc gọi/ngày và đang tăng trưởng rất nhanh. Qua đó, mang lại doanh thu cho Graam mỗi tháng khoảng 50.000 USD, một con số khá ấn tượng với một global startup được dẫn dắt bởi CEO người Việt với 20 năm kinh nghiệm học tập và làm việc trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông tại Pháp.

Về cuộc thi VAS Track 2019, anh Phan Quang Minh – Co-fonder Graam chia sẻ nhận định: “Tôi thấy việc Viettel tạo ra một sân chơi cho các start-up qua cuộc thi VAS Track này là rất hữu ích cho các startups. Người làm start-up rất cần các cơ hội để giao tiếp, "cọ xát" để mở rộng tầm nhìn.”

 

Theo: Thanh tra