Thị trường gọi xe công nghệ thay đổi ra sao nếu Grab và Gojek “về chung nhà”?
Vì sao 2 kỳ lân “ngoại” sáp nhập?
Thông tin 2 thương hiệu gọi xe công nghệ là Gojek và Grab sáp nhập đã lan truyền từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, thông tin sáp nhập ngày càng rõ ràng khi nguồn tin từ DealStreetAsia, chỉ ra rằng, 2 “ông lớn” vận chuyển của thị trường Đông Nam Á là Grab và Gojek đã và đang có những cuộc thương thảo, hướng đến việc sáp nhập trong tương lai.
Theo đó, việc sáp nhập giữa Gojek và Grab được cho là gặp khó khăn khi ảnh hưởng bởi quy định pháp luật liên quan đến cạnh tranh, cùng với đó là sự phản đối của các nhà chức trách.
Về phía đương sự, người phát ngôn của Gojek chia sẻ, “Không có kế hoạch cho bất kỳ loại sáp nhập nào, và các báo cáo phương tiện truyền thông gần đây liên quan đến các cuộc thảo luận về bản chất này là không chính xác”.
Trong khi đó, ngay đầu năm Grab đã nhận được 850 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản để tiếp tục phát triển dịch vụ tài chính. Thêm một động thái cho thấy, sự trùng hợp không phải ngẫu nhiên khi màu áo của Gojek đã đổi từ đỏ sang xanh vào tháng 8 vừa qua. Theo nhiều đồn đoán, có thể đây là những bước đi chuẩn bị cho một cuộc sáp nhập đang đến gần.
Trên thị trường ứng dụng gọi xe, cả Grab và Gojek đều đang được xem như những kỳ lân (startup có giá trị trên 1 tỉ USD) hiếm hoi của khu vực Đông Nam Á. Grab có xuất phát điểm tại Malaysia, trong khi đó Gojek đến từ Indonesia.
Thị trường chính của cả 2 doanh nghiệp này đều nằm ở các quốc gia tại khu vực Châu Á như Malaysia, Singapore, Việt Nam, Thái Lan, Indonesia... Gojek vừa tiến hành hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường của họ thành một nền tảng duy nhất là ứng dụng Gojek.
Cùng với điều này, ứng dụng Gojek đã thay thế sự xuất hiện của GoViet tại thị trường Việt Nam. Mục tiêu trong tương lai, Grab và Gojek đều có tham vọng phát triển thành một siêu ứng dụng. Hợp nhất sẽ giúp cả 2 hoàn tất tham vọng của mình với một thị trường khổng lồ.
Theo thông tin từ DealStreetAsia, các cuộc đàm phán về việc sát nhập 2 nền tảng gọi xe là Grab và Gojek đã đạt được những kết quả quan trọng. SoftBank và các nhà đầu tư khác của Grab và Gojek đang tích cực thúc đẩy hoàn tất thương vụ này.
Theo DealstreetAsia, Gojek đang được định giá 10 tỉ USD, và tìm kiếm một tỷ lệ 50:50. Trong khi đó, Grab cũng được định giá 10 tỉ USD và dường như muốn một tỉ lệ tốt hơn để họ có thể nắm được quyền chi phối.
Thị trường Việt Nam sẽ ra sao?
Với tiêu chí không “đốt tiền” mà tập trung chi tiêu một cách hợp lý và khôn ngoan, liệu be có thể đối đầu trực diện với liên minh này? Cũng phải nói thêm, be vốn là một công ty gọi xe công nghệ “nội địa” đang cạnh tranh trực diện với các đại gia công nghệ “ngoại”.
Ở vị thế một doanh nghiệp mới tham gia thị trường, be chỉ như một tân binh và đang nỗ lực tìm chỗ đứng. Trong một chia sẻ với báo chí, CEO beGroup, bà Nguyễn Hoàng Phương, cho biết, “Chúng tôi đã và đang phát triển mạnh mẽ chỉ sau 20 tháng có mặt trên thị trường”.
Thực tế, be hiện đã mở rộng ở nhiều mô hình kinh doanh như beCar, beBike, beTaxi, be Đi tỉnh, be Đi chợ, đại lý bán vé xe khách trực tuyến; beFinancial, beExpress, beDelivery, beLoyalty… giúp mở ra một hệ sinh thái số tiềm năng sẵn sàng chào đón các doanh nghiệp khác cùng hợp tác và phát triển.
Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu thị trường ABI Research tại Việt Nam, công bố tháng 9/2019, beGroup giữ vị trí thứ 2 về thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam. Định hướng của be thiên về công ty vận tải ứng dụng công nghệ…
CEO beGroup cũng cho rằng, khả năng sáp nhập là điều hoàn toàn có thể với bất kỳ doanh nghiệp nào nếu sự sáp nhập giúp cho các bên có thể tận dụng ưu thế của nhau.
Cũng theo bà Phương, “Tuy nhiên, nếu lý do sáp nhập không xuất phát từ khách hàng, cộng đồng tài xế và nhân viên thì nó sẽ không tạo ra nhiều giá trị tích cực cho thị trường. Điều đó cho chúng ta thấy rằng một số các ứng dụng có nguồn gốc nước ngoài đến Việt Nam để khai thác, tìm kiếm lợi nhuận tối đa (tận thu) và khi quyền lợi của nhà đầu tư bị ảnh hưởng, họ sẵn sàng từ bỏ thương hiệu, giá trị của mình để sáp nhập và ‘tận thu’ nhiều hơn nữa…”.
Khi Grab mua lại Uber tại Việt Nam nhưng thị trường vẫn đủ lớn cho beGroup tham gia và phát triển ổn định thì chắc chắn sự sáp nhập của Grab và GoJek cũng sẽ không thể làm thay đổi quy luật cạnh tranh vốn có của thị trường, bà Phương chia sẻ.
Sơn Mai
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư