Bộ Thông tin và Truyền thông - Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia
Tin tức | VietSolutions - “National Digital Transformation” | Viet Solutions - Cuộc thi tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia
← Quay lại

Kỳ vọng Viet Solutions 2021 có sản phẩm giúp 9 triệu nông dân sớm thoát nghèo bằng công nghệ

17/06/2021 VIET SOLUTIONS 2021

Ba khác biệt lớn của Viet Solutions 2021

Cuộc thi tìm kiếm giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia - Viet Solutions 2021 đã được Bộ TT&TT phối hợp với Viettel công bố khởi động từ ngày 10/6. Trong mùa giải thứ ba này, cuộc thi mở rộng tiếp nhận cả các ý tưởng công nghệ và tăng gấp 3 giá trị giải thưởng. 

Với thông điệp “Cộng hưởng để kiến tạo xã hội số”, đối tượng hướng đến của Viet Solutions 2021 là các cá nhân, tổ chức đang sinh sống, học tập và làm việc ở tất cả các nước trên thế giới. Các ý tưởng, sản phẩm công nghệ tập trung vào 10 lĩnh vực gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải - logistics, năng lượng, tài nguyên - môi trường, sản xuất công nghiệp, giải pháp giải trí - tiện ích và quản lý doanh nghiệp. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, chỉ khi có nền tảng số “Make in Viet Nam” thì người Việt Nam mới làm chủ được thị trường, giải quyết các nhu cầu nhanh, theo ý mình.

Không chỉ diễn ra trong một bối cảnh rất đặc biệt, Viet Solutions 2021 còn có nhiều điểm mới. Chia sẻ về điều này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng đã chỉ ra 3 khác biệt lớn nhất. Đầu tiên chính là thời điểm cuộc thi. Cuộc thi năm nay diễn ra khi Việt Nam đang ở trên đỉnh dịch, ghi nhận số ca nhiễm lớn nhất từ trước đến nay.

Khác biệt lớn thứ hai là cách đặt ra các bài toán. Trong khi năm ngoái Ban tổ chức chỉ đặt ra định hướng, năm nay cuộc thi lại đặt ra những bài toán tương đối cụ thể trong các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia.

Điều lệ cuộc thi là khác biệt lớn nữa của Viet Solutions 2021. Năm trước, Viet Solutions chỉ chấp nhận giải pháp hoàn chỉnh, đã ứng dụng nhất định trong thực tế thì năm nay, cuộc thi còn tìm kiếm cả những ý tưởng mới.

Lý do có những sự khác biệt trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, là bởi trên thực tế, có rất nhiều bài toán chỉ cần có một ý tưởng đúng là sẽ có lời giải đúng. “Giống như việc khi đặt ra câu hỏi đúng, chắc chắn sẽ có câu trả lời. Việc đi tìm kiếm giải pháp, đi tìm kiếm ý tưởng giống như đi tìm ra những câu hỏi đúng. Không bao giờ có câu trả lời cho những câu hỏi sai. Nhưng cứ khi có câu hỏi đúng thì khó thế nào cũng có một người trả lời được nó”, ông Nguyễn Huy Dũng giải thích.

Cách đưa ra các bài toán, tìm ra “nỗi đau” của xã hội

Việc phát triển các giải pháp số thường cần một thời gian rất dài. Nhưng để có một ý tưởng trong một thời gian ngắn thì luôn luôn khả thi. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, điều quan trọng chính là việc các doanh nghiệp tận dụng sự thay đổi thói quen người dùng. Bởi Covid-19 là đại dịch mà trăm năm mới có một lần. Do vậy, tác động của dịch bệnh đến con người là rất lớn.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng lưu ý, Covid-19 tác động lên xã hội, làm thay đổi hành vi của mọi người. Trong quá khứ, mọi người có thể làm việc tập trung, nhưng giờ đây tất cả đều phải chuyển sang làm việc từ xa, phải phân tán.

“Bởi thế, chúng ta phải tìm cách biến thiệt hại, biến đau thương thành cơ hội. Một trong những cách giải quyết chính là áp dụng công nghệ. Chúng ta phải tận dụng thời cơ này, tận dụng sự thay đổi thói quen của người dùng để thúc đẩy công nghệ số và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng cho hay.

Năm nay, Ban tổ chức cuộc thi đưa ra các bài toán tương đối cụ thể trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia, trong đó có nông nghiệp (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh đó, trong cuộc thi năm nay, Ban tổ chức cũng đưa ra các bài toán tương đối cụ thể trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia. Đại diện Bộ TT&TT chia sẻ, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt biệt là những doanh nghiệp công nghệ số mang tính đổi mới sáng tạo là nhân tố rất quan trọng để tạo ra giá trị mới cho nền kinh tế. Nhưng trong quá trình này, việc tìm được thị trường để các doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển lại là điều khó khăn nhất.

Chỉ khi có thị trường thì mới có công nghệ, mới có doanh nghiệp, từ đó mới tạo ra các sản phẩm tốt. Vì vậy, Bộ TT&TT muốn tìm cách đưa ra các bài toán, tìm ra các “nỗi đau” của xã hội, tìm ra những thách thức hiện nay để từ đó định hướng, dẫn dắt và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp cùng giải quyết bài toán đấy.

Câu chuyện về “chấp nhận” và nghĩ lớn

Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, chuyển đổi số là câu chuyện về chấp nhận cái mới. Thế nên, chỉ khi chúng ta dám chấp nhận cái mới, chúng ta mới chuyển đổi số được. Ví dụ như chấp nhận cho học sinh học trực tuyến, đấy là một sự chấp nhận mới. Chấp nhận cho người bệnh được khám chữa bệnh trực tuyến, đó là cái mới.

Do vậy, công cuộc chuyển đổi số quốc gia chỉ thành công khi có nhiều người tham gia. Khi càng nhiều người tham gia thì giá trị tạo ra càng lớn và chi phí càng rẻ. Nói cách khác, chuyển đổi số chỉ thành công nếu nó thu hút được sự tham gia của toàn dân.

Để thu hút được sự tham gia của toàn dân, công nghệ số bắt buộc phải dễ sử dụng: ai cũng có thể dùng được, ai cũng có thể hiểu được, ai cũng có thể tiếp cận được. Vì vậy, nền tảng số là lời giải để làm cho công nghệ số trở nên dễ dàng và có thể tiếp cận được đến với mọi người một cách nhanh nhất. “Đây là lý do chúng tôi coi nền tảng số là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thêm.

Hiện nay, trên thị trường có vô số nền tảng số nước ngoài, vốn đã phát triển rất mạnh với công nghệ cao. Sở dĩ chúng ta cần thúc đẩy phát triển những nền tảng số trong nước là bởi người Việt Nam cũng có những nhu cầu mà chỉ riêng người Việt Nam mới có, không giống với người dân các quốc gia khác… Hơn nữa, chỉ khi có nền tảng số “Make in Viet Nam” thì người Việt Nam mới làm chủ được thị trường, giải quyết các nhu cầu nhanh, theo ý mình.

Cuối cùng, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng kỳ vọng, sản phẩm tham gia Viet Solutions năm nay nên là lời giải cho những bài toán lớn hơn. Điển hình như làm sao để chuyển đổi số cho cả 5 triệu hộ kinh doanh, làm sao để 9 triệu hộ nông dân sớm thoát nghèo bằng công nghệ.

“Tôi hy vọng rằng các đội thi sẽ suy nghĩ với bài toán ở tầm lớn hơn và có mức độ làm chủ công nghệ sâu hơn, để từ đấy ra được những giải pháp thực sự đột phá và trở thành niềm tự hào của giới công nghệ Việt Nam”, đại diện Bộ TT&TT nói.

Vân Anh



Tin tức liên quan

07/10/2021
Chúc mừng 10 đội thi xuất sắc nhất VietSolutions 2021
16/08/2021
Nhằm tạo điều kiện cho các đội thi chuẩn bị hồ sơ tốt hơn trong điều kiện khó khăn chung do dịch bệnh, Ban Tổ chức cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Quốc gia - Viet Solutions 2021 - thông báo gia hạn nộp hồ sơ dự thi thông qua website vietsolutions.net.vn đến hết ngày 15/9/2021.
23/07/2021
Các start up đang xoay chuyển như thế nào để tồn tại trong hoàn cảnh ngặt nghèo, khó khăn chung của đất nước, hướng tới ổn định và phát triển? Lĩnh vực nào sẽ có tiềm năng tốt hơn những lĩnh vực khác? Và nếu không có lợi thế phù hợp với hành vi tiêu dùng thời COVID-19 thì start-up nên làm gì, đi từng bước ra sao để thích ứng và vượt qua khó khăn? Công nghệ số sẽ đóng vai trò như thế nào trong cuộc chiến thích ứng với thực tại mới của doanh nghiệp khởi nghiệp? Tất cả sẽ được thảo luận tại Webinar Khởi nghiệp thời Covid - 19.
02/07/2021
Bình Trần, đồng sáng lập quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam và Ascend Vietnam Ventures (AVV) chia sẻ về cảm nhận của ông với vai trò cố vấn cuộc thi Viet Solutions 2021, và lời khuyên cho startup trong bối cảnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
© Viettel Group 2020. All rights reserved.